Giả sử ta dậy trẻ

bài viết thể hiện quan điểm cá nhân
viewer discretion is advised

tiếp theo những vấn đề được nêu trong bài trước

Đến đây, câu hỏi đặt ra là:

Nếu nhìn tổng thể và đánh giá thực trạng trong ngành là:

Số lượng người tập hợp được đủ các yếu tố cần thiết cho công việc: ngoại ngữ tốt, tư duy trả lời và “văn hoá làm việc” phù hợp …. là ít, vậy đó có phải là vấn đề mang tính hệ thống của nhân sự người Việt Nam? 

Quan điểm của tôi với câu hỏi trên là:

Không rõ đó có phải là vấn đề hệ thống hay không, tuy nhiên rõ ràng là nếu việc “không đủ nhân sự phù hợp” (xét 3 yếu tố ngoại ngữ, tư duy giao tiếp, văn hoá làm việc kể trên) xẩy ra trên quy mô lớn, rất cần những giải pháp mang tính hệ thống để giải quyết. Tuy nhiên chờ để có những giải pháp hệ thống ấy hình thành và thẩm thấu vào đời sống có thể rất lâu.

Nhìn quanh, Philipines có vẻ giải quyết khá tốt vấn đề trình độ ngoại ngữ. Nhưng để tìm hiểu, học tập và áp dùng vào VN ở quy mô lớn thì tôi không đủ chuyên môn để đưa ra bất kỳ bình luận gì. Còn về vấn đề dạy “tư duy giao tiếp” hay “văn hoá làm việc” nơi công sở, trong khả năng quan sát có hạn của mình, tôi cũng chưa nhìn ra hướng giải quyết mang tính hệ thống nào ở quy mô xã hội.

Trước khi đợi những thay đổi trên bình diện, tôi nghĩ chúng ta vẫn có thể bắt đầu từ ngay chính gia đình của mình. Đem kiến thức và kinh nghiệm của mình tạo ra thay đổi cho chính con cái trong nhà mình chẳng hạn 🙂

I. Thực trạng giả thiết 

Trước tiên, thử nhìn lại quá trình phát triển của trẻ em ngày nay. So với thế hệ ông cha, điều kiện của các bé bây giờ rất khác, nếu không nói là hơi ngược lại.

Tôi nhớ lại thời thơ ấu của mình. Trẻ em cả phố rất ít có các loại đồ chơi mua ở cửa hàng. Ti vi, điện thoại chưa có, không nói đến internet. Muốn có trò chơi, trẻ em buộc phải ra ngoài tìm những “kẻ” cùng tuổi,  lập team (hội) chơi với nhau. Tự giải quyết vấn đề chơi cùng với những đứa trẻ khác.

Lớn lên, tôi nhớ một trung thu nọ, tất cả những đứa trong “team” đều đã có súng phun nước, trừ một đứa tên T. . Tự dưng tôi nổi hứng rủ những đứa khác đi kiếm giấy vụn về bán đồng nát lấy tiền mua súng cho T. Bỏ thời gian ra chợ Hàng Da ngồi chờ họ đóng cửa hàng vào lượm giấy bìa, rồi mấy đứa trẻ lít nhít tầm lớp 5 cùng nhau tha lôi đống bìa đến hàng đồng nát bán, rồi cùng nhau ra Hàng Mã mua súng cho thằng T. Không chỉ là một kỷ niệm tuổi thơ khó quên, giờ nhìn lại, điều đó cho thấy những đứa trẻ hồi đó không trông chờ resource (tài nguyên) đến từ người lớn, mà tự xoay xở sáng tạo trong khả năng của chúng. 

Thời bây giờ thì khác. Bản thân tôi thấy con mình lớn lên trong điều kiện đầy đủ hơn nhiều. Từ bé bỉm sữa, đồ chơi …. chẳng thiếu thứ gì. Những đứa trẻ cùng tuổi thì lớn lên nghiễm nhiên có điện thoại kết nối internet, thích thì ngồi trong phòng chơi game cả ngày. Còn nhớ lần tôi đi dã ngoại cùng lớp cậu con trai. Bữa trưa các phụ huynh đã đặt sẵn, đến giờ các cháu chỉ việc ngồi ăn. Cháu nào thấy hợp thì ăn, cháu nào thấy chán thì ăn một ít rồi bỏ, sau đó nhất loại cả lũ rủ nhau đi mua bim bim, nước C2…. Nhất loạt ra chỗ bố mẹ ngồi xin 50K, 100K để đi mua mấy thứ linh tinh đó.

Mọi thứ được như ý và cái gì chưa như ý thì bố mẹ là giải pháp. Cần mua bim bim thì tiền của bố mẹ là giải pháp, chán cơm mẹ nấu thì có thể tiền của ông bà là giải pháp, muốn có cái điện thoại hay cái xe điện thì bố mẹ lại là giải pháp. Và thường là được giải quyết ngay và luôn! 

Tôi đặt ra giả thiết: Có lẽ vì con người luôn hướng tới giải pháp dễ dàng nhất trước tiên (cognitive miser là một thuật ngữ chỉ hiện tượng này), việc “có điều kiện” khiến trẻ em bỏ qua (skip) việc tự xây dựng cho mình khá nhiều kỹ năng như tự ra ngoài chủ động tìm những “kẻ” đồng chí hướng, tự giải quyết những vấn đề be bé …. Điều này dẫn đến hậu quả tất yếu là sự chủ động trong cuộc sống, kỹ năng giải quyết vấn đề không được cọ xát trong thực tiễn cho đến tận lúc những em bé ngày nào bước vào cánh cổng công ty/ tổ chức.

II. Giải pháp giả tưởng

Nếu giả thiết trên là đúng, các bậc cha mẹ có thể làm gì? Tôi tự đặt ra câu hỏi như vậy và tự tìm kiếm khả năng trả lời. Trong thực tế, những năm đầu tiên làm bố tôi cũng chỉ là loay hoay với vài tình huống cơ bản như để con tự trả tiền, tự kiểm tra tiền thừa …. Giờ đây, sau nhiều năm quan sát và được chia sẻ những câu chuyện từ đồng nghiệp, tôi khái quát thành một đề xuất giả tưởng như sau:

  • . Đầu tiên, tìm cách đặt ra một nhiệm vụ cho các con, và đặt nhiệm vụ cụ thể. 
  • . Khi con đã quen với các nhiệm vụ, giảm mức độ điều khiển của bố mẹ + tăng mức chủ động của con: khuyến khích con tự đặt ra mục tiêu cho mình. Điều này khuyến khích phát triển tư duy lựa chọn mục tiêu
  • . Đặt ra phần thưởng khi con đạt được mục tiêu đề ra
  • . Hỗ trợ cùng xây dựng kế hoạch hành động (để đạt đến mục tiêu), khuyến khích chia sẻ vấn đề gặp phải và tư vấn (để con tự) giải quyết vấn đề
  • . Trao thưởng, ôn lại những kỷ niệm đáng nhớ nếu có
  • . Hướng đến nhiệm vụ tiếp theo

Mục đích là để các con thường xuyên có một nhiệm vụ gì đó, thường xuyên va vấp và rèn luyện giải quyết vấn đề, bắt đầu từ việc giao tiếp với bố mẹ …. Cứ thế lặp lại.

Những điều trên có thể không phải là mới với những người làm cha mẹ, tuy nhiên, cứ thử cùng xem xét lại từng ý một nhé.

Đầu tiên là tìm những nhiệm vụ cụ thể. Điều này thực ra khá đơn giản nếu bố mẹ chịu khó để ý quan sát. Hiện tại mình có thấy con đang làm chưa tốt việc gì?, hay mình mong muốn con làm việc nho nhỏ nào đó không? Tìm ra rồi thì thử kết nối một trong những mong muốn nho nhỏ ấy với nhiệm vụ.

Có thể là bất kỳ một nhiệm vụ đơn giản nào:

  • .ăn đúng giờ?
  • .tự giác cho quần áo mình cần giặt vào đúng nơi quy định trước sáng T7,
  • .ra hoạt động ngoài trời 30 phút mỗi ngày,
  • . đọc cuốn sách abc 30 phút một tuần,
  • .được điểm 6 Toán trong bài kiểm tra sắp tới,
  • . đi ngủ trước 10:30 tối

Với những bạn ngại giao tiếp có thể là:

  • .hỏi được tên một bạn mới dưới sân chơi, mời bạn hàng xóm sang nhà chơi,
  • . hỏi được giờ từ một bác người lớn dưới sân,
  • .tự kể lại một ngày của mình trong vòng 5 phút với bố mẹ vào cuối ngày.

Với các bạn kén chọn ăn uống có thể chỉ là:

uống thêm một ly sữa mỗi ngày, ăn thêm rau, ăn được da cá …..

Để khuyến khích các con, đi kèm với nhiệm vụ bố mẹ đặt ra phần thưởng khi nhiệm vụ hoàn thành:

  • .đơn giản là được sticker, đủ sticker sẽ được chơi ipad của bố 20 phút,
  • .được ăn món gì đó,
  • .được đi nhà hàng nào đó,
  • .được 10 ngàn đồng….
  • . cho xem tivi 20 phút
  • ….

Nhớ lại hồi vợ tôi muốn các con tự nấu ăn, tôi cũng nhân tiện khuyến khích bằng cách tuyên bố: một bữa rửa bát cho nhà con được 10K…. Thế rồi dần dần hai anh em cũng tự rửa bát được, có thể tự rán trứng cho mình, tự nướng chả bằng nồi rán không dầu …. , biết cách quét nhà, lau nhà, hàng tuần cho quần áo cả nhà vào máy giặt, đổ bột giặt và bấm nút …. 

Tiếp theo, khuyến khích con tự đặt mục tiêu.

Ở đây, thay vì lý thuyết giả tưởng như phần trước, tôi xin kể câu chuyện thực tế dạy con từ một đồng nghiệp chia sẻ.

Cô ấy (T.) gợi ý trong những thứ con muốn có, hãy chọn thứ con muốn có nhất hiện tại. Cô bé chọn mua cặp Elsa.

Tiếp theo T. hướng dẫn con tự tìm hiểu xem muốn có cặp Elsa vậy con cần có bao nhiêu tiền? Cô bé ra kết quả 350K.

Tiếp theo T. hỏi kế hoạch có 350K. của con thế nào? Con tự lên kế hoạch, sau đó có thể bàn bạc review cùng bố mẹ và điều chỉnh. Sau quá trình đó con và T. tự ra được kế hoạch như sau:

 . Đến phố đi bộ, nói chuyện với 10+ bạn Tây: 1 bạn được 10K,  

 . Rửa bát 5 lần: 1 lần được 5K,

 . dạy em học tiếng Anh: làm sao cho em đọc được 40 cuốn sách (Razkid level AA ít chữ): 5k 1 cuốn,

 . đi nhặt ve chai bán :d (do đó là đợt hè): số tiền còn thiếu

Sau đó nghe nói cô bé đã hoàn thành được nhiệm vụ, nỗ lực kiếm tiền cả một mùa hè để rồi đến đầu năm học mới mới mua được chiếc cặp Elsa cho mình. Xong vụ ấy cô bé nói “đúng là kiếm tiền không dễ”, nhưng cũng vì thế cô bé trở nên có ý thức tiết kiệm, không tiêu tiền bừa bãi.

Tôi rất khâm phục T. và chắc chắn nếu tiếp tục, cô bé nói trên sẽ có tư duy lựa chọn mục tiêu, team work để lên kế hoạch, giải quyết vấn đề/ tìm kiếm trợ giúp khi gặp khó khăn …. Cô bé sẽ là người tự lập, tự chủ và chủ động trong công việc với bộ tư duy PDCA (Plan/ Do/ Check/Action) được xây chắc từ bé!

III. Nói thì dễ, giao tiếp thì không (dễ)

Cuộc sống thì không đơn giản, dạy con lại càng là việc khó.

Nói thì dễ hơn làm, và viết giải pháp giả tưởng như phần trước cũng dễ hơn làm nốt.

Trộm nghĩ, mọi giải pháp đều cần có một hai nền tảng nào đó. Trong phần này, xin phép đưa ra một vài lưu ý trước khi thử áp dụng các giải pháp:

Theo tôi, cha mẹ nên hạn chế các “tài nguyên” con có thể sử dụng như: ti vi, điện thoại smart phone, máy tính, máy tính bảng …. và hạn chế từ sớm.

Chỉ khi các tài nguyên là hạn chế thì con người mới hiểu, mới thấm thía nguyên tắc vàng về sau khi ra đời, đi làm:

Không có gì tự dưng từ không thành có!

(phải suy nghĩ đúng, phải hành động, phải nỗ lực thì mới có)

Thậm chí tuyên bố rõ từ đầu với con “trong nhà này, (không) chưa có gì là của con hết”, đầu tiên tất cả là của bố mẹ, ti vi, smartphone, ipad, xe, đồ chơi công nghệ… trong nhà đều là của bố mẹ (bỏ tiền ra mua) cả, con xuất phát từ zero (0), muốn từ 0 thành 1 thì phải có nỗ lực gì đó, hoàn thành nhiệm vụ gì đó….

Ngoài ra, nhiều khi cha mẹ phải tập lại giao tiếp (communication) với con. Vì trong suốt quá trình đặt mục tiêu/ lập kế hoạch/ thực thi …., nếu communication không tốt, mọi thứ sẽ khá tệ hại. Giao tiếp không tốt, con sẽ không hiểu được tại sao cần phải làm việc đó. Giao tiếp không tốt thì bố mẹ cứ nghĩ mình giúp đỡ con nhưng sẽ chỉ nhận lại lời trách móc phàn nàn.

Trước khi làm gì, như thế nào, rất cần giao tiếp clear rõ ràng về Tại sao, rồi từng bước cũng cần rõ ràng ai làm gì, làm đến đâu, sẽ chuyển giao cho ai ….

Thiếu đi nền tảng giao tiếp nói trên, toàn bộ những thứ giải pháp … đều vô nghĩa. Không may, chính tôi cũng không làm được đến nơi đến chốn những điều tôi viết ở trên, mặc dù thật sự các con không có ti vi, không có smartphone … để dùng. Một trong những lý do quan trọng nhất là tôi đã không duy trì được kết nối và sự giao tiếp với các con. Lý do thì có nhiều và tất nhiên, tôi không thể trách hoàn cảnh hay bất kỳ ai trừ chính bản thân mình. 

Câu chuyện cuối cùng, đôi dòng dành cho thiểu số đang cảm thấy tuyệt vọng trong nỗ lực duy trì giao tiếp với con cái, cho ai đó cảm thấy mọi cánh cửa để cải thiện nền tảng giao tiếp/ kết nối với con đều đã đóng lại, không thể áp dụng giải pháp dạy dỗ nào, ta có nên từ bỏ, dừng nỗ lực?

Để tiện trình bầy, tôi sẽ gọi nhân vật trong câu chuyện minh hoạ cho biện pháp tối thiểu này là bạn X (học cấp 2).

 . Sau nhiều vụ việc không như ý mà X. gây ra, bố tuyên bố X. có hai lựa chọn:

+ Hoặc là bị tịch thu hoàn toàn máy tính (được phát từ hồi học online do Covid, thứ duy nhất mà X. cần từ bố!),

+ Hoặc là hạn chế không được sử dụng máy tính sau 9h đi kèm với điều kiện là X. sẽ phải báo cáo vào mỗi tối cho bố những vấn đề của X trong ngày, những việc nhắc nhở nhiều lần nhưng X không làm: ví dụ chưa dọn dẹp, đi ngủ muộn hay để bố mẹ nhắc nhở nhiều lần việc abc gì đó. Nếu X không duy trì được việc báo cáo hoặc để tồn tại kéo dài những vấn đề mà chính X báo cáo, hình phạt sẽ tăng nặng: có thể phải chạy nhiều hơn mỗi ngày, hoặc có thể phải nói tiếng Anh khi báo cáo (X. rất ghét nói tiếng Anh….). 

. X rốt cuộc chọn phương án “báo cáo” hàng ngày thay vì sẽ bị tịch thu máy tính hoàn toàn.

X đã duy trì việc báo cáo được một thời gian. Ít nhất anh chàng cũng phải tự nhận thức về các vấn đề của mình hàng ngày, bố cũng kiếm được mỗi ngày vài khoảnh khắc ít ỏi để trao đổi với con. Ít, rất ít nhưng còn hơn không có gì cả!

—- Lưu ý (disclaimer) —-

Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.

Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ dùng từ/thuật ngữ/ logic mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.

2 comments

  1. cảm ơn bài viết của anh. Bài rất hay và ý nghĩa. Nếu chúng ta tập trung hướng dẫn thế hệ trẻ (ví dụ con cái) để chúng trở thành những đứa trẻ ưu Tú thì tương lai đất nước cũng có thể hi vọng được ạ.

    Liked by 1 person

Leave a comment